
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng đúng chuẩn
Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội Rằm này trong tâm thức người Việt. Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cũng được người dân coi trọng và chuẩn bị vô cùng chu đáo. Cùng Beemart tìm hiểu những món ăn không thể vắng mặt trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng nhé!
Trong ngày này, mỗi gia đình thường có 2 mâm cúng là mâm cúng Phật và mâm cúng gia tiên.
1. Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng – Mâm cỗ cúng Phật
Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, họ cho đây là ngày đẹp nhất trong năm, là khởi đầu cho năm mới, bởi vậy mà nên tránh sát sinh trong ngày này và ăn chay để cầu mong may mắn. Lễ vật trong mâm cúng Rằm tháng Giêng thường là chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu để đảm bảo được sự thanh đạm cho món ăn.
Trên mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, nâu vàng của hành thổ, màu trắng của hành kim, màu xanh biển hành thủy. Ăn cơm chay còn là một cách hướng tới sự cân bằng, tinh tâm trong suy nghĩ và lối sống.
2. Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng – Mâm cúng gia tiên
Vào ngày rằm đầu tiên của năm mới, mỗi gia đình đều có một mâm cỗ cúng gia tiên để tưởng nhớ những người đã khuất. Đây là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và trên mỗi mâm cúng sẽ có những món ăn chính như: bánh chưng, xôi gấc, giò, thịt gà, gạo tẻ,… thể hiện cho mong ước thuận hòa, may mắn cả năm.
– Bánh chưng:
Đây là món bánh truyền thống của dân tộc không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng, là sự hài hòa giữa trời và đất, phần nhân được bọc trong lớp gạo nếp mềm, thơm, gói bằng lá dong xanh mướt, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
– Xôi gấc:
Đĩa xôi gấc màu đỏ trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng thể hiện cho sự may mắn, phước lành, biểu trưng cho tình yêu và hạnh phúc viên mãn.
– Gà luộc:

– Bánh trôi, bánh chay
Theo quan niệm của người Việt, việc cúng bánh trôi, bánh chay là mong muốn cho mọi việc quanh năm sẽ được trôi chảy, thông suốt.
– Chân giò:
Chân giò lợn khi cúng bằng tiếng Hán Việt gọi là “trư túc”, chữ “trư” (lợn) đồng âm với “chư” (mọi thứ), còn “túc” (chân) còn có nghĩa là “sung túc, no đủ”. Việc cúng chân giò lợn với mong muốn cho năm mới được đầy đủ, sung túc hơn.
– Gạo tẻ
Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đầy đủ để nảy nở, sinh sôi chính là ý nghĩa của gạo tẻ trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng.
Bên cạnh đó, mâm cỗ phải đầy đủ và hài hòa các loại hương vị, là vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh. Một mâm cỗ đủ đầy, sung túc sẽ mang đến sự an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
– Hoa quả:
Các loại hoa thường dùng là hoa cúc, hoa ly, hoa dơn,… Các loại quả thường dùng sẽ tùy theo từng vùng miền. Ở miền Nam gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với ý nghĩa “cầu vừa đủ xài”. Ở miền Bắc thường dùng chuối, quất, ớt, bưởi với ý nghĩa đùm bọc, yêu thương. Ở miền Trung, người dân hầu như không kiêng loại quả nào miễn là trên mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng phải có nhiều màu sắc như dưa hấu, nho, bưởi, xoài, lê, cam, táo.
Rằm tháng Giêng mang một giá trị văn hóa đẹp và là đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng ở nước ta từ ngàn đời nay. Sau bao nhiêu thăng trầm, nét văn hóa ấy vẫn mãi tồn tại trong tâm thức của người Việt và sẽ được duy trì cho các thế hệ sau.
Tham khảo: 10 loại bánh ngon ngày Tết hấp dẫn trong bữa ăn người Việt
bình luận