
Cách làm cơm rượu nếp miền Nam thơm ngon chuẩn vị
Mỗi một vùng miền trên đất nước Việt Nam sẽ có hương vị cơm rượu nếp cho ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Nếu như người dân miền Bắc thường dùng gạo lật để làm cơm rượu thì người Miền Nam lại dùng gạo nếp trắng để làm. Sản phẩm cơm rượu của miền Nam sẽ ra nhiều nước rượu hơn cơm rượu của miền Bắc. Chính vì thế mà cách làm cơm rượu của từng miền cũng sẽ khác nhau. Hôm nay Beemart sẽ hướng dẫn bạn cách làm cơm rượu nếp miền Nam thơm ngon, chuẩn vị
Nguyên liệu
– Gạo nếp: 500g
– Men cơm rượu: 6g (khoảng 3 viên nhỏ)
– Nước lọc: 500ml
– Muối: Một nhúm nhỏ
– Lá chuối: Vài lá (không quá già, không quá non)
Cách làm cơm rượu nếp miền Nam
– Bước 1: Vo gạo bằng nước sạch khoảng 2-3 lần, loại bỏ sạn, hạt gạo bị hỏng, rồi để ráo (với cách làm cơm rượu nếp miền Nam thì bạn không cần ngâm gạo trước nhé).
+ Lá chuối đem rửa sạch, để ráo (chú ý loại bỏ bụi bẩn ở phần cọng lá để đảm bảo vệ sinh nhé).
– Bước 2: Nấu cơm nếp
– Khâu nấu cơm nếp là khâu quan trọng nhất trong tất cả các bước làm cơm rượu nếp miền Nam vì độ dẻo, độ khô của cơm sẽ quyết định độ ngon của cơm rượu. Nếu cơm mà nấu quá khô thì khi ủ sẽ không tiết ra được nhiều nước rượu, còn nếu cơm nấu quá nhão thì viên cơm rượu sẽ dễ bị rã ra, không chắc thành từng viên. Có hai cách nấu cơm nếp bạn có thể áp dụng
+ Cách 1: Cho cơm nếp vào nồi cơm điện nấu như cơm bình thường.
+ Cách 2: Dùng phương pháp đồ xôi nếp, làm chín cơm bằng hơi.
Lưu ý: Bạn cũng cần chú ý xem gạo nếp của bạn là gạo cũ hay mới, gạo hút nhiều nước hay hút ít nước vì mỗi loại gạo sẽ cần một lượng nước khác nhau để cơm ngon nhất. Điều chỉnh lượng nước cho phù hợp với từng loại gạo nhé.
– Khi cơm chín, giàn mỏng cơm ra khay cho cơm nhanh nguội.
– Bước 3: Chuẩn bị men
Men cơm rượu bạn có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng thực phẩm khô ngoài chợ hoặc các cửa hàng
Khi bạn mua men ngoài cửa hàng, men thường ở dạng viên và có lẫn trấu nên trước khi đem trộn với cơm bạn phải giã nhỏ và lọc qua rây để men được mịn nhất.
– Bước 4: Trộn men
Khi cơm nếp nguội hẳn thì bạn bắt đầu rây men đều lên mặt cơm, sau đó dùng tay trộn cho men và cơm quyện đều vào với nhau (nhớ đeo găng tay để đảm bảo vệ sinh nhé).
Lưu ý: Bạn phải để cơm nếp nguội hẳn nhé vì khi men gặp nhiệt độ cao sẽ dễ bị chết và không thành rượu được.
– Bước 5: Tạo hình viên cơm bằng cách cho cơm nếp t thành từng viên nhỏ, ép cho chặt tay rồi quấn lá chuối quanh viên cơm nếp. (Nhớ là ép chặt tay để cơm không bị rã ra trong quá trình ủ men nhé).
– Bước 6: Ủ cơm rượu
Chuẩn bị một chiếc lọ bằng sành hoặc sứ có nắp, sau đó lót lá chuối ở dưới đáy và xung quanh thành.
Xếp từng viên cơm nếp vào lọ, cứ xếp xong một lớp cơm lại đậy một lớp lá chuối lên trên. Làm như vậy cho đến khi hết cơm và lớp trên cùng là lớp lá chuối. Đậy nắp lọ lại và ủ trong khoảng 3 đến 5 ngày. Thời gian cơm rượu đạt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhiệt độ, chất lượng men,… vì thế thời gian ủ có thể khác nhau.
Sau 2-3 ngày các bạn có thể bắt đầu kiểm tra xem cơm đã đạt hay chưa. Cơm đạt là khi mở nắp ra, bạn sẽ ngửi thấy mùi hương đặc trưng của men rượu, viên cơm rượu trắng mềm nhưng không bị rã, có nước tiết ra ở lớp dưới thố. Khi nếm cơm sẽ có vị ngọt đặc trưng và hơi cay. Nếu chưa đạt như thế thì tiếp tục ủ đến khi đạt nhé.
Lưu ý: Nếu sử dụng cơm trong một thời gian dài nhưng không muốn cơm tiếp tục lên men nữa thì bạn có thể cho lọ ủ cơm vào trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
Ngoài ra nếu bạn thích cơm ngọt hơn thì có thể nấu một ít nước đường, để nguội rồi cho vào cơm rượu khi cơm bắt đầu tiết nước ra nhé.
Chỉ cần áp dụng đúng theo công thức của Bee là bạn đã có thể tự làm cho mình được món cơm rượu nếp ngon chuẩn vị miền Nam rồi đấy. Chúc các bạn thành công!
>> Xem thêm: Cách làm cơm cháy chà bông thơm ngon hấp dẫn chuẩn vị Ninh Bình
bình luận