
Các bí quyết để bạn có thể tự làm bánh Trung thu tại nhà nhé
Dù bạn đã tham khảo rất nhiều các công thức làm bánh Trung thu khác nhau, nhưng vẫn thất bại vẫn không thành công vậy lý do là ở đâu?? Với những gì mà nhà Bee chia sẻ cho bạn thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm tự làm bánh Trung thu tại nhà nhé chắc chắn sẽ ngon không thua so với các dân làm bánh chuyên nghiệp đâu nha. Giờ thì cùng khám phá bí quyết thôi nào.
Các bí quyết để bạn có thể tự làm bánh trung thu tại nhà nhé
1. Vỏ bánh
Đây là một khâu khá quan trọng để quyết định chiếc bánh Trung thu có ngon, hấp dẫn không nhé. Đầu tiên, bạn phải áp dụng đúng công thức đặc biệt về cân đong đúng liều lượng. Vỏ trộn xong cần để nghỉ ít nhất 10 phút để khi tạo hình bột không bị co rút.
Là một người làm thì không nên trộn quá 2 công thức vỏ bánh, để lâu quá bột vỏ sẽ khô dẫn dến bánh đóng ra không được sắc nét. Nếu sau khi trộn xong mà bột vỏ bánh bị khô, thì có thể do loại bột bạn dùng hút ẩm nhiều, hoặc nước đường quá đặc. Có thể thêm chút nước để làm cho bột vỏ mềm hơn. Còn nếu vỏ bánh quá ướt và bở, khi bọc bánh dễ bị rách (thường do nước đường loãng hoặc mới nấu), có thể cho thêm ít bột mì để bột vỏ khô hơn.
Để ăn ngon miệng thì nên làm vỏ bằng 1/2 nhân, hoặc 2/3 nhân là vừa, sẽ có sự cân bằng giữa nhân và vỏ, chống ngán nữa vì vỏ bánh cũng rất ngon.
2. Nhân bánh
– Nhân đậu, sen, các loại khoai: Với các loại nhân kiểu tinh bột này, vấn đề thường gặp nhất có lẽ là nhân bị khô, sau khi sên xong thì ra rất nhiều dầu (bị chảy hay tươm dầu). Hoặc sau khi đã nướng bánh xong rồi để 1 ngày thì cảm giác như vỏ hút dầu từ nhân, nhân co lại và tách khỏi vỏ.
– Nếu làm nhân trà xanh hay lá dứa, nên cho trà xanh hoặc lá dứa vào khi nhân còn loãng. Nếu muốn trộn với dừa tươi, cũng nên cho vào khi nhân còn loãng. Nếu là dừa khô hoặc hạt khô thì cho vào sau cùng khi đã sên xong.
– Nhân sen nhuyễn: mềm, dẻo và không bị tươm dầu (mặc dù cho khá nhiều dầu khi sên)
– Nhân thập cẩm cổ truyền: gồm mỡ muối, hạt điều, hạt dưa, hạt sen, hạt bí, vừng, lạp xưởng, lá chanh, rượu. Các nguyên liệu này đặc tính khô và rời rạc nên bột bánh dẻo trên lý thuyết là chất kết dính giúp các loại nguyên liệu này dính với nhau có thể nắm lại thành viên (nhân bánh). Để nhân bánh kết dính thì bạn nên cho nước đường pha nhạt hay corn syrup (xi rô ngô) hoặc cũng có thể kết hợp cả hai. Hỗn hợp được làm ẩm kết hợp tốt với bột bánh dẻo sẽ liên kết tốt. Lưu ý không nên cho quá nhiều bột bánh dẻo vì cũng dễ làm nhân bị khô và bở.
– Nhân trứng muối: trứng muối sau khoảng 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Trứng muối đạt sẽ có lòng đỏ cứng và màu đỏ tươi hoặc gần sẫm, thơm các vị gừng, hồi, quế…
3. Nước đường bánh nướng
Nước đường là nguyên liệu chính giúp màu bánh lên đẹp hay không. Nước đường được đun theo một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu. Nước đường càng để lâu thì bánh càng ngon, đường càng xuống màu đậm. Nhiều người đun nước đường trước một năm ngay sau vụ trung thu năm trước nhưng hiện nay nước đường được bán sẵn cũng phổ biến dùng cho các bạn không có thời gian, bận chưa đun nước đường được từ trước hoặc ngại đun hoặc đang làm bánh thì hết 🙂
4. Phết bánh
Muốn cho vỏ bánh nâu sậm, hỗn hợp phết bánh thông thường gồm trứng + nước chưa đủ. Cần thêm vào dầu mè đen, lòng trắng trứng.
Hỗn hợp dùng phết bánh gồm: 1 lòng đỏ trứng, 1/2 lòng trắng trứng, 2 thìa dầu mè đen, 2 thìa nước. Nếu muốn đậm hơn nữa có thể thêm vào tẹo đường cho “bắt” lửa
Cách phết:
– Dùng chổi sợi nhỏ. Phết sau khi đã nướng tái, lúc này mặt bánh đã có tia vàng.
– Phết trứng khi mặt bánh khô, không dính nước (nước xịt làm bánh bớt khô). Nếu xịt nước xong cần cho bánh vào lò cho bay hết hơi nước. Nếu bánh còn ướt mặt mà đã quét trứng thì mặt bánh sau sẽ không sắc nét, không bóng đẹp, thậm chí còn bị rạn
– Trứng chỉ quét một lớp thật mỏng. Không quét dầy quá sẽ tạo bong bóng trên mặt bánh. Tốt nhất nên quẹt loại bỏ bớt phần hỗn hợp nước trứng vào thành bát trước khi quét lên bánh.
Thông thường mỗi mẻ bánh cần 2 lần quét là đủ có thể là 3 lần tùy vào bánh nhé và bạn thích bánh lên màu đẹp mắt.
5. Khuôn bánh và lò nướng
– Khuôn bánh: Khuôn dễ dùng nhất có lẽ là loại khuôn nhựa không lò xo, chỉ cần ấn bánh vào khuôn rồi tháo nắp để lấy ra. Nếu dùng khuôn lò xo và chưa thạo đóng bánh thì chọn khuôn tròn sẽ dễ đóng bánh đẹp hơn khuôn vuông. Nếu là bánh nướng, nên chọn khuôn có vết khắc sâu để bánh được sắc nét.
– Lò nướng bánh: Các bạn nên dùng lò nướng để nướng mọi loại bánh. Các lò thủy tinh, vi sóng, nồi nướng thường chỉ có một lửa phía trên nắp hoặc phía dưới. Điều này dễ làm cho phần mặt bánh tiếp xúc với lửa trên (rất nóng) sẽ dễ bị cháy, trong khi ở phía dưới không có nhiệt sẽ bị sống. Mặc dù khi nướng có thể lật mặt bánh để bánh chín đều, nhưng bánh trung thu thường nướng trong thời gian ngắn và khi còn nóng thì vỏ bánh rất mềm nên nếu lật không khéo mặt bánh sẽ bị hỏng.
Hy vọng bài viết này sẽ hướng dẫn cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm, kiến thức trong làm bánh để có thể giúp bạn tự làm chiếc bánh trung thu để chiêu đãi cả nhà nhé!!
bình luận